Cetus Protocol – giao thức DeFi lớn nhất trên hệ sinh thái Sui – vừa trở thành nạn nhân của một vụ tấn công nghiêm trọng, gây thiệt hại ước tính hàng trăm triệu USD cho các dự án và người dùng liên quan.

Hiện tại, cộng đồng đang dõi theo sát sao cách Cetus xử lý hậu quả và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một làn sóng quan tâm mới cũng đang nổi lên: mức độ phi tập trung thực sự của Sui Network đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Vụ việc này không chỉ là hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo mật hợp đồng thông minh, mà còn là phép thử đối với kiến trúc và mô hình quản trị của toàn bộ mạng lưới Sui, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người kỳ vọng đây sẽ là một trong những blockchain thế hệ mới mang tính đột phá.

Nổi bật trong số các ý kiến chỉ trích là Justin Bons, nhà sáng lập Cyber Capital, ông cho rằng:

“Các validator của SUI đang cấu kết để kiểm duyệt giao dịch của hacker! Điều đó có làm cho SUI trở thành một mạng lưới tập trung không? Câu trả lời ngắn gọn là CÓ – vấn đề quan trọng là vì sao.”

Ông nhấn mạnh rằng quyền kiểm soát trong hệ sinh thái Sui đang quá tập trung, với số lượng validator chỉ 114 và phần lớn nguồn cung token thuộc về nhóm sáng lập. Theo Bons, “việc các validator có thể nhanh chóng phối hợp để chặn giao dịch là vấn đề gốc rễ, chứ không phải mô hình đồng thuận hay quản trị bằng stake.”

Bons cũng bác bỏ các so sánh sai lệch với tiền lệ trên Ethereum, dẫn chứng rằng quy định OFAC 2023 không dẫn đến kiểm duyệt bất kỳ giao dịch nào trên Ethereum do mạng lưới này phi tập trung hơn và không thể tạo ra sự đồng thuận kiểm duyệt. Ông tiếp lời:

“Ngay cả vụ hack DAO năm 2016 trên Ethereum cũng không dẫn đến kiểm duyệt giao dịch. Các tài sản khi đó bị khóa trong smart contract, và mọi thay đổi đều trải qua quá trình bỏ phiếu minh bạch, không có giao dịch nào bị chặn.”

Những lập luận này làm dấy lên lo ngại rằng Sui - dù mang danh nghĩa là một blockchain công khai - lại đang vận hành theo cách giống một hệ thống tập trung, nơi quyền lực bị nắm giữ bởi thiểu số.

Quay lại với tokenomics của Sui Network

Theo thông tin từ tokenomics, hiện tại chỉ khoảng 3,34 tỷ token SUI đã được mở khóa và lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, khi kiểm tra trực tiếp trên Sui Explorer, có thể thấy hơn 7,6 tỷ token SUI đang được stake bởi các validator trên mạng lưới. Vậy điều này nói lên điều gì?

Sự bất cân xứng giữa lượng token SUI được mở khóa (khoảng 3,34 tỷ) và lượng token đang stake (hơn 7,6 tỷ) cho thấy một thực tế đáng lo ngại: phần lớn SUI đang tham gia staking đến từ các token chưa được mở khóa — vốn theo tokenomics thì lẽ ra vẫn đang trong trạng thái bị khóa và không thể sử dụng.

Điều này đặt ra nghi vấn về tính minh bạch và cam kết thực hiện đúng lộ trình tokenomics từ phía đội ngũ dự án và các đối tác chiến lược. Nếu đúng như quan sát, thì:

  • SUI đang bị thao túng một cách tinh vi: việc cho phép stake các token chưa mở khóa giúp đội ngũ và các bên liên quan vừa kiểm soát phần lớn mạng lưới (thông qua quyền validator), vừa chiếm phần lớn phần thưởng staking — vốn đáng lẽ nên được phân phối công bằng cho cộng đồng tham gia mạng lưới một cách thực sự.

  • Mạng lưới Sui mất đi tính phi tập trung cốt lõi: staking từ các địa chỉ nội bộ và không thể giao dịch khiến mạng lưới trông “an toàn” về mặt kỹ thuật, nhưng lại tập trung quyền lực trong tay một nhóm nhỏ – trái ngược với nguyên lý của một blockchain công khai.

  • Giá tăng không phản ánh giá trị nội tại: giá token SUI tăng mạnh trong thời gian qua có thể không đến từ nhu cầu thực sự của thị trường, mà đến từ hoạt động kiểm soát nguồn cung lưu hành (circulating supply) và thao túng thanh khoản.

Do đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ cần hết sức thận trọng. Với một cấu trúc sở hữu bị kiểm soát bởi các bên nội bộ như vậy, bất kỳ thời điểm nào trong tương lai đều có thể dẫn đến hành vi bán tháo hàng loạt. Trong kịch bản xấu, nhà đầu tư mới có thể trở thành "Exit Liquidity" cho các vòng đầu tư trước hoặc chính đội ngũ phát triển.

#Cetus $CETUS #SuiNetwork