Vitalik Buterin, một trong những nhà đồng sáng lập Ethereum, vừa đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ về việc đơn giản hóa giao thức cơ sở của blockchain lớn thứ hai nhằm nâng cao hiệu quả, an toàn và khả năng tiếp cận của mạng lưới. Đề xuất này, được trình bày trong bài đăng trên blog vào ngày 3 tháng 5, mang tên “Đơn giản hóa L1”, không chỉ phản ánh một khát khao cải thiện Ethereum mà còn hướng tới việc tái cấu trúc lại hệ thống Ethereum để trở nên đơn giản và mạnh mẽ hơn, với sự ảnh hưởng rõ rệt từ thiết kế tối giản của Bitcoin.
Tầm nhìn về tương lai của Ethereum
Trong bài đăng, Buterin đã chia sẻ tầm nhìn dài hạn về sự phát triển của Ethereum trong vòng 5 năm tới. Anh kỳ vọng Ethereum có thể đạt được sự đơn giản gần như Bitcoin, với niềm tin rằng tính đơn giản chính là yếu tố then chốt giúp mạng lưới này duy trì sự ổn định và khả năng mở rộng bền vững.
Mặc dù các nâng cấp quan trọng như chuyển đổi sang cơ chế PoS và tích hợp zk-SNARK đã mang lại sức mạnh cho Ethereum, Buterin thừa nhận rằng chúng cũng đồng nghĩa với sự gia tăng độ phức tạp kỹ thuật. Điều này dẫn đến việc chi phí phát triển cao hơn, chu kỳ phát triển dài hơn và tăng nguy cơ lỗi nghiêm trọng trong hệ thống.
Buterin cũng cho biết một phần của sự phức tạp này có thể xuất phát từ những quyết định trong quá khứ của chính anh:
“Trước đây, Ethereum không được đơn giản hóa như hiện nay (đôi khi là do các quyết định của chính tôi), và điều này đã dẫn đến nhiều chi phí phát triển dư thừa, rủi ro bảo mật và hạn chế trong văn hóa nghiên cứu và phát triển, thường là để theo đuổi những lợi ích mà sau này đã được chứng minh là không thực tế.”
Đề xuất đơn giản hóa Layer đồng thuận
Một trong những trọng tâm then chốt trong chiến lược đơn giản hóa Ethereum của Buterin là layer đồng thuận — nền tảng quyết định sự ổn định và bảo mật của mạng. Anh đề xuất áp dụng mô hình “3-slot finality”, nhằm loại bỏ các thành phần phức tạp như epoch, ủy ban đồng bộ hóa (sync committees) và xáo trộn trình xác thực (validator shuffling).
Theo Buterin, mô hình này không chỉ tinh gọn kiến trúc đồng thuận, mà còn giúp giảm đáng kể số lượng trình xác thực hoạt động đồng thời, từ đó nâng cao bảo mật và cải thiện độ ổn định của hệ thống trong dài hạn.
Ngoài ra, anh cũng đề xuất đơn giản hóa các quy tắc lựa chọn fork – vốn được đánh giá là phức tạp và dễ gây nhầm lẫn – và thúc đẩy ứng dụng các giao thức tổng hợp dựa trên STARK (Scalable Transparent Argument of Knowledge). Những công nghệ này hứa hẹn sẽ mang lại sự phân cấp cao hơn, đồng thời đơn giản hóa cơ chế phối hợp mạng lưới, giúp Ethereum tiến gần hơn tới mục tiêu vận hành hiệu quả với cấu trúc gọn nhẹ như Bitcoin, nhưng vẫn giữ được tính linh hoạt vốn có.
Chuyển đổi từ EVM sang RISC-V
Để cải thiện hiệu suất và giảm bớt độ phức tạp, Buterin đề xuất chuyển từ Máy ảo Ethereum (EVM) sang một máy ảo đơn giản hơn, thân thiện với Zero-Knowledge Proofs (ZKP) như RISC-V. RISC-V là một kiến trúc tập lệnh mã nguồn mở (ISA) nổi bật với triết lý thiết kế tối giản, sử dụng một tập lệnh đơn giản nhỏ để đạt được hiệu quả cao và dễ triển khai.
Theo Buterin, sự chuyển đổi này có thể mang lại cải thiện hiệu suất gấp 100 lần đối với ZKP, đồng thời giúp đơn giản hóa đáng kể giao thức Ethereum. Tuy nhiên, để duy trì khả năng tương thích ngược, anh đề xuất chạy các hợp đồng EVM cũ on-chain thông qua trình thông dịch RISC-V trong giai đoạn chuyển tiếp, cho phép cả hai VM hoạt động song song.
Ngoài những cải tiến về cấu trúc kỹ thuật, Buterin cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc chuẩn hóa toàn bộ giao thức Ethereum. Anh đề xuất áp dụng phương pháp mã hóa xóa đơn lẻ*, sử dụng định dạng tuần tự hóa (ưu tiên SSZ) và cấu trúc cây để giảm bớt sự phức tạp dư thừa. Mục tiêu là tối ưu hóa công cụ và cơ sở hạ tầng của Ethereum, đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí.
Buterin cũng kêu gọi Ethereum thực hiện mục tiêu “max line-of-code”, tức là giữ cho logic quan trọng của sự đồng thuận càng tinh gọn và có thể kiểm toán được càng tốt. Những tính năng kế thừa không còn quan trọng sẽ được giữ lại nhưng không thuộc phần thông số kỹ thuật cốt lõi của hệ thống.
Bối cảnh cạnh tranh khốc liệt
Đề xuất của Buterin được đưa ra trong bối cảnh Ethereum đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các blockchain khác. Alex Svanevik, CEO của Nansen, đã chỉ ra rằng sự thống trị của Ethereum trên thị trường blockchain L1 đang dần suy giảm.
“Nếu bạn hỏi tôi cách đây 3-4 năm liệu Ethereum có thống trị tiền điện tử không, tôi sẽ trả lời là có”, Svanevik chia sẻ. “Nhưng bây giờ, rõ ràng là điều đó không còn đúng nữa.”
Trong bối cảnh này, những nỗ lực của Buterin nhằm đơn giản hóa Ethereum không chỉ nhằm cải thiện khả năng vận hành của mạng lưới mà còn giúp Ethereum duy trì và củng cố vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ.
Tầm nhìn của Vitalik Buterin về một Ethereum đơn giản, hiệu quả và an toàn hơn là một chiến lược đầy tham vọng nhưng cũng rất hợp lý. Trong khi các nâng cấp trước đó đã giúp Ethereum vươn lên mạnh mẽ, nhưng sự phức tạp ngày càng tăng có thể gây ra rủi ro trong tương lai. Nếu các đề xuất của Buterin được triển khai thành công, Ethereum có thể không chỉ duy trì được sự ổn định mà còn nâng cao khả năng mở rộng và khả năng phục hồi lâu dài. Điều này cũng có thể giúp Ethereum giữ vững và củng cố vị thế của mình trong một thế giới blockchain đầy cạnh tranh.
*Erasure coding (mã hóa xóa) là một kỹ thuật trong lĩnh vực lưu trữ và truyền dữ liệu nhằm bảo vệ dữ liệu khỏi bị mất mát. Nó hoạt động bằng cách chia dữ liệu thành nhiều phần nhỏ và tạo ra các phần bổ sung (redundancy blocks) sao cho nếu một số phần bị mất, dữ liệu gốc vẫn có thể được khôi phục.
*Max line-of-code là một thuật ngữ không chính thức nhưng dễ hiểu, thường được dùng để chỉ mục tiêu hoặc giới hạn số dòng mã nguồn tối đa được phép hoặc mong muốn trong một hệ thống phần mềm, chương trình, hay thành phần cụ thể.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.