Trong thế giới dữ liệu phi tập trung, làm sao để bạn xác minh rằng một phần dữ liệu là thật, chưa bị sửa đổi, mà không cần phải tải xuống hoặc kiểm tra toàn bộ?
Đây không chỉ là câu hỏi học thuật, nó là bài toán nền tảng cho blockchain, hệ thống tệp phi tập trung, và nhiều ứng dụng Web3 khác. Câu trả lời là: Merkle Tree.
Theo cách ví von của Altius:
“Merkle Trees = Trust without looking inside.
Imagine checking your files are untouched — without opening a single folder. That’s Merkle magic.”
Và kỳ diệu hơn nữa, Altius đã mở rộng Merkle Tree thành một cấu trúc hiệu năng cao, có khả năng xử lý trạng thái blockchain song song, với kiến trúc có tên Scalable State Merkle Trie (SSMT).
Trong bài viết này, mình sẽ có những phân tích chuyên sâu về:
Cách Merkle Tree hoạt động
Thấy tại sao nó quan trọng với Web3
Và khám phá cách Altius đang cách mạng hóa trạng thái blockchain dựa trên nguyên lý này.
Merkle Tree là gì?
Merkle Tree là một cấu trúc cây nhị phân, nơi mỗi nút sẽ lưu trữ hash (băm) của một phần dữ liệu, và mỗi nút cha lưu hash của hai nút con. Khi hash lên tới đỉnh cây, bạn có một giá trị duy nhất gọi là Merkle root đại diện toàn bộ dữ liệu gốc.
Ví dụ:

A, B, C, D là các giao dịch.
Mỗi giao dịch được băm lại thành Hash A, Hash B,...
Các cặp hash được băm tiếp: Hash A + Hash B → Hash AB, v.v.
Cuối cùng, Hash AB + Hash CD → Merkle root.
Nếu bất kỳ giao dịch nào thay đổi, Merkle root cũng thay đổi. Vì thế, chỉ cần nhớ Merkle root, bạn có thể xác minh toàn bộ block mà không cần kiểm tra từng dòng dữ liệu.
Tại sao Merkle Tree quan trọng?
Xác minh dữ liệu nhanh: Bạn chỉ cần vài hash để chứng minh một phần dữ liệu tồn tại mà không cần tải cả tập tin.
Tiết kiệm băng thông: Thay vì gửi toàn bộ dữ liệu, chỉ cần gửi Merkle proof, một đường dẫn nhỏ đến root.
Bảo mật chống giả mạo: Chỉ cần 1 bit bị thay đổi trong dữ liệu, Merkle root sẽ khác, giúp phát hiện ngay lập tức.
Hiện nay, Merkle Tree đang đóng vai trò là xương sống của nhiều hệ thống phân tán hiện đại, không chỉ trong blockchain mà còn vượt xa phạm vi đó.
Trong blockchain như Bitcoin và Ethereum, Merkle Tree được sử dụng để tổ chức và xác minh các giao dịch trong mỗi block, giúp đảm bảo tính toàn vẹn và cho phép các node nhẹ xác thực mà không cần tải toàn bộ dữ liệu.
Trong lĩnh vực quản lý mã nguồn, Git sử dụng một biến thể của Merkle Tree để theo dõi lịch sử thay đổi, mỗi commit là một nút trong cây, liên kết chặt chẽ với trạng thái trước đó.
Trong các hệ thống lưu trữ phi tập trung như IPFS, Merkle Tree giúp chia nhỏ file thành các phần và đảm bảo rằng bất kỳ phần nào cũng có thể được xác minh một cách độc lập. Hệ thống Certificate Transparency áp dụng Merkle Tree để công bố và xác thực các chứng chỉ số (SSL/TLS) một cách minh bạch và chống giả mạo.
Ngay cả trong các cơ sở dữ liệu phân tán như Cassandra hay DynamoDB, Merkle Tree cũng được dùng để so sánh và đồng bộ hóa dữ liệu giữa các bản sao, giúp phát hiện sai lệch một cách hiệu quả mà không cần so sánh toàn bộ nội dung.
Điểm yếu của Merkle Trie truyền thống
Trong Ethereum và các blockchain VM-based, trạng thái hệ thống được lưu bằng cấu trúc Merkle-Patricia Trie (MPT), một biến thể của Merkle Tree.
Tuy nhiên, MPT có vấn đề lớn khi chạy trên thực tế:
Phụ thuộc vào SSD khiến độ trễ I/O cao,
Cập nhật trạng thái tuần tự, không thể song song,
Hiệu suất giảm dần theo thời gian và số lượng giao dịch.
Trong một mạng lưới phi tập trung với hàng nghìn TPS, MPT trở thành nút thắt cổ chai.
Altius và Scalable State Merkle Trie (SSMT)
Altius ra đời để xây dựng một execution layer có thể mở rộng thực sự : nhanh như Web2, bảo mật như Web3.
Một trong những đột phá quan trọng của Altius là:
Parallel Scalable Storage – sử dụng kiến trúc SSMT (Scalable State Merkle Trie) để xử lý trạng thái blockchain theo chiều ngang (horizontal scaling).
Khác với mô hình truyền thống lưu trữ toàn bộ cây trạng thái trên một node duy nhất, kiến trúc Scalable State Merkle Trie (SSMT) trong Altius chia nhỏ cây thành nhiều phần, mỗi phần được phân phối đến một node riêng biệt dựa trên tiền tố của khóa dữ liệu. Cách phân mảnh này giúp hệ thống có thể xử lý song song các truy vấn trạng thái một cách hiệu quả và phân bổ công việc đều giữa các node, từ đó giảm thiểu tình trạng quá tải cục bộ và tăng đáng kể tổng thông lượng của mạng lưới mà vẫn đảm bảo toàn vẹn dữ liệu thông qua các nguyên tắc Merkle.

Tuy nhiên, Altius không dừng lại ở việc phân mảnh. Để tối ưu tốc độ truy cập, hệ thống còn triển khai distributed caching giúp lưu trữ các dữ liệu thường xuyên truy cập ngay trong RAM của từng node. Nhờ sử dụng các kỹ thuật như prefetching dựa trên lịch sử truy vấn, dữ liệu được đoán trước và nạp vào bộ nhớ đệm trước khi được yêu cầu thực sự. Điều này giúp giảm độ trễ truy xuất một cách rõ rệt, một yếu tố sống còn với các ứng dụng yêu cầu phản hồi real-time như DeFi hay game on-chain.
Một trong những điểm mạnh đáng chú ý của SSMT là khả năng mở rộng theo chiều ngang. Khi nhu cầu tăng lên, hệ thống hoàn toàn có thể thêm node mới để xử lý thêm shard, đồng thời tự động phân phối lại dữ liệu trạng thái giữa các node hiện có. Mặc dù trạng thái được chia nhỏ và phân tán, toàn bộ hệ thống vẫn duy trì một Merkle root duy nhất đại diện cho tính toàn vẹn của toàn bộ dữ liệu. Điều này cho phép các node nhẹ hoặc các trình xác minh bên ngoài có thể kiểm chứng dữ liệu một cách đáng tin cậy mà không cần truy cập toàn bộ trạng thái mạng
Merkle Tree truyền thống vs. SSMT của Altius
Merkle Tree truyền thống, dù là một cấu trúc cực kỳ hiệu quả để xác minh dữ liệu, lại gặp nhiều hạn chế khi triển khai ở quy mô lớn trong blockchain hiện đại. Việc lưu trữ toàn bộ cây trạng thái trên một node và thực hiện cập nhật tuần tự khiến hệ thống dễ rơi vào tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt khi số lượng giao dịch tăng cao. Mọi truy vấn đều phải đi qua ổ đĩa (thường là ổ SSD), làm phát sinh độ trễ I/O không thể tránh khỏi. Khả năng mở rộng cũng bị giới hạn do cấu trúc này không được thiết kế để xử lý song song hoặc phân phối trạng thái theo chiều ngang.
Trong khi đó, Scalable State Merkle Trie mà Altius phát triển là một bước nhảy vọt về mặt kiến trúc. Thay vì để một node xử lý toàn bộ, cây trạng thái được phân mảnh theo prefix khóa và phân phối đến nhiều node khác nhau cho phép truy vấn, cập nhật và xác minh diễn ra đồng thời ở nhiều phần khác nhau của cây. Nhờ hệ thống bộ nhớ đệm phân tán kết hợp cùng kỹ thuật prefetch thông minh, SSMT gần như loại bỏ độ trễ truy xuất dữ liệu thường xuyên. Hơn hết, mô hình này cho phép mở rộng theo chiều ngang một cách tự nhiên: thêm node mới, dữ liệu tự động tái phân phối mà không làm gián đoạn hoạt động toàn hệ thống.
Sự khác biệt then chốt nằm ở triết lý: nếu Merkle Tree truyền thống tối ưu cho tính toàn vẹn trong môi trường đơn lẻ, thì SSMT của Altius được thiết kế để duy trì toàn vẹn trong một mạng lưới phân tán hiệu năng cao. Nó không chỉ giữ lại nguyên tắc xác minh bằng Merkle root mà còn nâng cấp toàn bộ pipeline truy xuất, lưu trữ và mở rộng trạng thái để đáp ứng nhu cầu thực tế của Web3 ngày càng phát triển.

Merkle Tree + Kiến trúc Altius = Web3 ở quy mô thực
Từ một cấu trúc học thuật, Merkle Tree đã trở thành lõi xác minh của Web3.
Và Altius, bằng cách tái thiết lại Merkle Tree thành SSMT, đang đưa công nghệ này vào thế hệ tiếp theo của blockchain, nơi trạng thái không chỉ xác minh được, mà còn có thể mở rộng, truy xuất tức thì, và xử lý hàng triệu giao dịch mỗi giây.
Tin cậy mà không cần nhìn vào bên trong không chỉ là một triết lý. Với Altius và SSMT, nó đã trở thành một kiến trúc vận hành thực tế.