Các điểm chính
Trong giao dịch trái phiếu, chênh lệch tín dụng là sự khác biệt về lợi suất giữa một trái phiếu an toàn hơn (như Trái phiếu kho bạc) và một trái phiếu rủi ro hơn (như trái phiếu doanh nghiệp). Chênh lệch càng lớn thì rủi ro nhận thấy càng cao.
Chênh lệch nhỏ cho thấy nhà đầu tư cảm thấy tự tin vào nền kinh tế còn chênh lệch lớn thường báo hiệu sự bất ổn hoặc khả năng suy thoái.
Các yếu tố như xếp hạng tín dụng, lãi suất, tâm lý thị trường và thanh khoản trái phiếu ảnh hưởng đến mức độ chênh lệch. Các trái phiếu có xếp hạng thấp hơn hoặc thanh khoản kém hơn thường có chênh lệch lớn hơn.
Trong giao dịch quyền chọn, chênh lệch tín dụng nghĩa là bán một quyền chọn và mua một quyền chọn khác để nhận được tín dụng ròng, từ đó giới hạn cả lợi nhuận và thua lỗ tiềm năng. Các ví dụ phổ biến bao gồm đầu cơ giá lên bằng quyền chọn bán và đầu cơ giá xuống bằng quyền chọn mua.
Giới thiệu
Chênh lệch tín dụng là một khái niệm quan trọng trong cả đầu tư trái phiếu và giao dịch quyền chọn. Trong thị trường trái phiếu, chênh lệch tín dụng có thể cho thấy mức độ rủi ro của các trái phiếu khác nhau và cung cấp thông tin hữu ích về sức khỏe của nền kinh tế. Bài viết này phân tích chi tiết chênh lệch tín dụng là gì, cơ chế hoạt động và tầm quan trọng của chênh lệch tín dụng. Chúng ta sẽ thảo luận về chênh lệch tín dụng trong bối cảnh trái phiếu trước, sau đó tìm hiểu ngắn gọn về khái niệm này trong giao dịch quyền chọn.
Chênh lệch tín dụng là gì?
Chênh lệch tín dụng là chênh lệch lợi nhuận giữa 2 khoản vay hoặc trái phiếu sẽ được trả lại cùng một lúc nhưng có xếp hạng tín dụng (mức độ rủi ro) khác nhau.
Trong giao dịch trái phiếu, khái niệm này liên quan đến việc so sánh 2 trái phiếu có cùng thời điểm đáo hạn, một từ bên vay an toàn hơn và một từ bên vay rủi ro hơn (như nợ được phát hành bởi thị trường mới nổi hoặc doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp hơn).
Chênh lệch tín dụng cho thấy trái phiếu rủi ro hơn mang lại bao nhiêu lợi nhuận để bù đắp cho phần rủi ro tăng thêm. Không có gì ngạc nhiên khi mức chênh lệch này có thể ảnh hưởng đến số tiền bạn kiếm được từ khoản đầu tư của mình.
Cơ chế hoạt động của chênh lệch tín dụng
Thông thường, nhà đầu tư so sánh lợi suất của trái phiếu doanh nghiệp với trái phiếu chính phủ, như trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, vốn được coi là có độ rủi ro thấp. Ví dụ: nếu trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm có lợi suất là 3% và trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 10 năm có lợi suất là 5% thì chênh lệch tín dụng là 2% hoặc 200 điểm cơ bản.
Nhiều nhà đầu tư sử dụng chênh lệch tín dụng không chỉ để hiểu mức độ rủi ro của trái phiếu của một doanh nghiệp mà còn để đánh giá sức khỏe của toàn bộ nền kinh tế. Khi chênh lệch tín dụng lớn, điều này thường báo hiệu kinh tế khó khăn. Khi chênh lệch tín dụng nhỏ, điều này cho thấy sự tin tưởng vào nền kinh tế.
Điều gì ảnh hưởng đến chênh lệch tín dụng?
Nhiều yếu tố có thể khiến chênh lệch tín dụng tăng hoặc giảm:
Xếp hạng tín dụng: Trái phiếu có xếp hạng tín dụng thấp (như trái phiếu rác) thường có lợi suất cao hơn và chênh lệch lớn hơn.
Lãi suất: Khi lãi suất tăng, chênh lệch của những trái phiếu rủi ro hơn thường tăng lên.
Tâm lý thị trường: Khi niềm tin thị trường thấp, ngay cả những doanh nghiệp mạnh cũng có thể thấy chênh lệch trái phiếu của mình tăng lên.
Thanh khoản: Trái phiếu khó giao dịch hơn sẽ có rủi ro giao dịch cao hơn và có xu hướng chênh lệch lớn hơn.
Ví dụ về chênh lệch tín dụng
Chênh lệch nhỏ: Một trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng cao hàng đầu trả lợi suất 3,5% và một trái phiếu Kho bạc trả lợi suất 3,2%. Chênh lệch là 0,3% hoặc 30 điểm cơ bản. Điều này cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ vào công ty.
Chênh lệch lớn: Một trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín dụng thấp trả lợi suất 8% và trái phiếu Kho bạc vẫn trả lợi suất 3,2%. Chênh lệch là 4,8% hoặc 480 điểm cơ bản. Mức độ chênh lệch lớn hơn này cho thấy rủi ro cao hơn.
Chênh lệch tín dụng cho chúng ta biết gì về tình hình kinh tế
Chênh lệch tín dụng không chỉ là công cụ đầu tư mà còn đóng vai trò là chỉ báo kinh tế. Trong thời kỳ kinh tế ổn định, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có xu hướng nhỏ. Nguyên nhân là do nhà đầu tư tin tưởng nền kinh tế có thể mang lại lợi nhuận và khả năng thanh toán cho doanh nghiệp. Nói cách khác, mọi người tin rằng các doanh nghiệp sẽ trả được nợ.
Ngược lại, trong thời kỳ suy thoái kinh tế hoặc bất ổn, nhà đầu tư muốn tránh rủi ro. Nhà đầu tư chuyển sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, làm cho lợi suất của trái phiếu này giảm xuống, trong khi đòi hỏi lợi suất cao hơn đối với khoản nợ doanh nghiệp rủi ro hơn, đặc biệt là các khoản nợ có xếp hạng tín dụng thấp hơn. Điều này làm cho chênh lệch tín dụng lớn hơn, trong một số trường hợp xảy ra trước thị trường bear hoặc suy thoái.
So sánh chênh lệch tín dụng và chênh lệch lợi suất
Mọi người đôi khi nhầm lẫn các thuật ngữ này. Chênh lệch tín dụng là sự khác biệt về lợi suất do các rủi ro tín dụng khác nhau. Chênh lệch lợi suất bao quát hơn và có thể chỉ bất kỳ sự khác biệt nào về lợi suất, bao gồm cả thời gian đáo hạn hoặc lãi suất.
Chênh lệch tín dụng trong giao dịch quyền chọn
Trong giao dịch quyền chọn, thuật ngữ "Chênh lệch tín dụng" dùng để chỉ chiến lược bán một hợp đồng quyền chọn và mua một hợp đồng quyền chọn khác có cùng ngày đáo hạn nhưng khác giá thực hiện. Bạn kiếm được nhiều tiền từ quyền chọn bạn bán hơn là số tiền bạn trả cho quyền chọn bạn mua. Chênh lệch giữa giá hợp đồng (phí quyền chọn) chính là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch tín dụng.
Dưới đây là 2 loại chiến lược chênh lệch tín dụng phổ biến trong giao dịch quyền chọn:
Đầu cơ giá lên bằng quyền chọn bán: Dùng khi bạn cho rằng giá tài sản sẽ tăng hoặc giữ nguyên. Bạn bán một quyền chọn bán có giá thực hiện cao hơn và mua một quyền chọn bán có giá thực hiện thấp hơn.
Đầu cơ giá xuống bằng quyền chọn mua: Dùng khi bạn cho rằng giá cổ phiếu sẽ giảm hoặc duy trì dưới một mức nhất định. Bạn bán một quyền chọn mua có giá thực hiện thấp hơn và mua một quyền chọn mua có giá thực hiện cao hơn.
Ví dụ về đầu cơ giá xuống bằng quyền chọn mua
Alice tin rằng tài sản XY sẽ không vượt quá 60 USD, vì vậy cô:
Bán quyền chọn mua 55 USD với giá 4 USD (cô nhận được 400 USD, vì 1 hợp đồng quyền chọn = 100 cổ phiếu)
Mua quyền chọn mua 60 USD với giá 1,50 USD (cô trả 150 USD)
Alice nhận được tín dụng ròng là 2,50 USD mỗi cổ phiếu, tương đương tổng 250 USD. Những gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào giá của tài sản XYZ khi đáo hạn:
Nếu giá vẫn ở mức 55 USD hoặc thấp hơn, cả hai quyền chọn đều đáo hạn và vô giá trị. Alice giữ lại 250 USD nhận được ban đầu.
Nếu giá tài sản nằm trong khoảng từ 55 USD đến 60 USD, quyền chọn mua 55 USD được người mua sử dụng còn Alice phải bán cổ phiếu ở mức 55 USD. Nhưng quyền chọn mua 60 USD của cô không được sử dụng. Cô vẫn giữ được một ít tín dụng ban đầu, tùy vào giá cuối cùng.
Nếu cổ phiếu vượt quá 60 USD, cả hai quyền chọn đều được sử dụng. Alice bán cổ phiếu ở mức 55 USD và phải mua lại ở mức 60 USD, lỗ tổng cộng 500 USD. Nhưng vì cô đã nhận trước 250 USD nên mức lỗ tối đa của cô là 250 USD.
Những giao dịch này được gọi là chênh lệch tín dụng vì bạn bắt đầu với một khoản tín dụng trong tài khoản của mình khi mở vị thế.
Tổng kết
Chênh lệch tín dụng là công cụ hữu ích, đặc biệt đối với nhà đầu tư trái phiếu. Chênh lệch tín dụng cho thấy nhà đầu tư muốn có thêm bao nhiêu lợi nhuận khi chấp nhận nhiều rủi ro hơn và cũng có thể cho chúng ta biết cảm nhận của mọi người về nền kinh tế. Bằng cách theo dõi chênh lệch tín dụng, bạn có thể hiểu rõ hơn về thị trường, chọn kênh đầu tư thông minh và quản lý rủi ro.
Đọc thêm:
Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Nội dung này được trình bày cho bạn trên cơ sở “nguyên trạng” chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và phổ biến kiến thức, mà không phải là sự cam đoan hay bảo đảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nội dung này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác, cũng như không nhằm mục đích khuyến nghị mua bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể nào. Bạn nên tham khảo lời khuyên từ các cố vấn chuyên môn thích hợp. Sản phẩm được đề cập trong bài viết này có thể không được cung cấp tại khu vực của bạn. Trong trường hợp bài viết được đóng góp bởi người đóng góp bên thứ ba, xin lưu ý rằng những quan điểm thể hiện đó thuộc về người đóng góp bên thứ ba và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Binance Academy. Vui lòng đọc toàn bộ tuyên bố từ chối trách nhiệm để biết thêm chi tiết. Giá tài sản kỹ thuật số có thể biến động. Giá trị khoản đầu tư của bạn có thể tăng hoặc giảm và có thể bạn sẽ không nhận lại được số tiền đã đầu tư. Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của mình và Binance Academy không chịu trách nhiệm pháp lý về bất kỳ tổn thất nào mà bạn có thể phải chịu. Tài liệu này không nên hiểu là lời khuyên tài chính, pháp lý hoặc chuyên môn khác. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem Điều khoản sử dụng và Cảnh báo rủi ro của chúng tôi.