Nhà sáng lập CryptoQuant, Ki Young Ju, đã dự báo về sự trỗi dậy của các “stablecoin bóng tối” (dark stablecoin) – những stablecoin chống kiểm duyệt – trong tương lai không xa. Theo anh, xu hướng chính phủ gia tăng kiểm soát stablecoin truyền thống như USDC của Circle hay USDT của Tether có thể vô tình thúc đẩy làn sóng phát triển các loại stablecoin phi tập trung, ẩn danh và khó bị kiểm soát hơn bao giờ hết.
Bitcoin so với stablecoin
Theo Ki Young Ju, những người chấp nhận Bitcoin từ thuở ban đầu đã bị thu hút bởi tính năng chống kiểm duyệt của nó. Tuy nhiên, khi các stablecoin ngày càng bị tổ chức trung gian quản lý, khả năng duy trì tính phi tập trung và tự do tài chính của chúng đang dần bị xói mòn dưới áp lực từ các chính phủ.
Anh cảnh báo rằng quy định khắt khe hơn có thể mở đường cho sự xuất hiện của “stablecoin bóng tối”. Những stablecoin này sẽ hoạt động dựa trên thuật toán hoặc được phát hành bởi các quốc gia thân thiện với crypto, nơi không áp đặt các biện pháp kiểm soát tài chính nghiêm ngặt.
Anh trích dẫn USDT của Tether như một ví dụ tiềm năng của “stablecoin bóng tối” trong tương lai, nếu công ty này quyết định từ chối tuân thủ quy định của chính phủ Hoa Kỳ. “USDT từng được xem là một trong những stablecoin chống kiểm duyệt đầu tiên. Nếu trong nhiệm kỳ của một chính quyền như Donald Trump, Tether từ chối hợp tác với cơ quan quản lý, nó hoàn toàn có thể trở thành stablecoin bóng tối trong bối cảnh nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng bị kiểm soát chặt chẽ”, anh nhận định.
Bối cảnh cho dự đoán này là môi trường pháp lý đang dần siết chặt tại Hoa Kỳ, đặc biệt với các dự luật như Đạo luật GENIUS do Thượng viện đề xuất, đặt mục tiêu kiểm soát nghiêm ngặt các tổ chức phát hành stablecoin vì lý do an ninh quốc gia và bảo vệ người dùng.
Một trong những điểm đáng lo ngại được nêu ra là khả năng chính phủ có thể giới hạn quyền truy cập vào đồng đô la kỹ thuật số đối với những người hoặc tổ chức nằm trong danh sách đen.
Quan điểm của Ki Young Ju về “stablecoin bóng tối” đã tạo ra làn sóng tranh luận sôi nổi trong cộng đồng crypto. Một số người rất ủng hộ ý tưởng này, cho rằng các stablecoin truyền thống như USDT và USDC đang dần trở thành rào cản đối với mục tiêu ban đầu của Bitcoin: loại bỏ sự phụ thuộc vào bên thứ ba.
“Stablecoin là điểm nghẽn đối với Bitcoin, giống như bất kỳ bên trung gian thứ ba nào. Châu Âu đã thắt chặt quyền truy cập vào Bitcoin thông qua quy định về stablecoin. Và Hoa Kỳ cũng đang dần kiểm soát nhiều hơn đối với dòng chảy của USDT. Tôi đồng ý, chúng ta cần stablecoin bóng tối!”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Một bộ phận khác nhận xét Bitcoin với bản chất phi tập trung và chống kiểm duyệt vốn có là đủ và không cần đến “stablecoin bóng tối”.
Về bản chất, stablecoin là loại tài sản kỹ thuật số được neo giá theo một đơn vị tài chính ổn định – thường là tiền fiat như đô la Mỹ hoặc Euro hoặc thậm chí là hàng hóa như vàng. Mặc dù có nhiều loại stablecoin khác nhau, nhóm stablecoin neo theo đô la Mỹ vẫn đang thống trị thị trường.
Tính đến hiện nay, thị trường stablecoin đạt quy mô 242 tỷ đô la, trong đó riêng USDT của Tether và USDC của Circle đã chiếm tới hơn 90% thị phần. Cụ thể, USDT nắm giữ 149,9 tỷ đô la, trong khi USDC sở hữu khoảng 60 tỷ đô la – tổng cộng hơn 209 tỷ đô la, khẳng định sự thống trị của hai ông lớn này trong không gian stablecoin.
Bitcoin vượt mốc 100.000 USD nhờ dòng tiền tổ chức và lực đẩy vĩ mô – Bitfinex
Meta khám phá tích hợp stablecoin để thanh toán
Mô hình cờ tăng giá, vốn hóa thị trường stablecoin tăng gợi ý rằng SOL có thể hướng đến $220
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.