Mặc dù Bitcoin đã liên tục lập đỉnh mới trên biểu đồ giá trong những tháng gần đây và vừa chạm mốc 97.000 đô la, nhưng mạng lưới của nó lại không cho thấy dấu hiệu sôi động tương ứng.
Hoạt động on-chain vẫn ở mức thấp, với các chỉ số quan trọng như số lượng địa chỉ hoạt động và số giao dịch không phản ánh được sự hứng khởi từ thị trường.
Đáng chú ý, số lượng địa chỉ hoạt động đã chật vật duy trì mốc 1.000 và chỉ vượt qua ngưỡng này vỏn vẹn ba lần trong vài tháng qua – một tín hiệu đáng để giới đầu tư cân nhắc.
Tại thời điểm hiện tại, số lượng địa chỉ hoạt động của Bitcoin dao động quanh mức 958.740 — một con số khá khiêm tốn so với quy mô và đà tăng giá gần đây. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn: Vì sao mạng lưới lại “đi ngược dòng” với giá trị thị trường?
Theo phân tích từ Alphractal, có 6 nguyên nhân chính khiến hoạt động on-chain của Bitcoin đang cho thấy dấu hiệu suy yếu.
6 lý do đằng sau hoạt động trì trệ on-chain của Bitcoin
Thứ nhất, giá Bitcoin hiện tại chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố bên ngoài, thay vì nhu cầu sử dụng thực tế trên blockchain. Thị trường đang chịu ảnh hưởng lớn từ dòng tiền tổ chức và sự gia tăng đột biến của các quỹ ETF giao ngay, thay vì sự tham gia thực sự của người dùng vào mạng lưới. Những cái tên lớn như Strategy, Metaplanet và BlackRock tiếp tục tích lũy mạnh mẽ thông qua các sản phẩm tài chính này, tạo ra động lực giá mà không kéo theo sự gia tăng tương ứng về hoạt động on-chain.
Thứ hai, mức độ biến động giá của Bitcoin đang ở mức thấp một cách bất thường. Sau nhiều tuần lình xình trong biên độ hẹp từ 92.000 đến 95.000 đô la, hành động giá hiện tại thiếu đi sự bứt phá đủ mạnh để kích hoạt hoạt động giao dịch hoặc chuyển ví sôi động. Trong bối cảnh này, nhiều nhà đầu tư chọn cách chờ đợi, khiến số lượng giao dịch on-chain sụt giảm đáng kể.
Thứ ba, thị trường đang chứng kiến hiện tượng “thổi phồng” khối lượng giao dịch. Một phần khối lượng được ghi nhận có thể là không phản ánh đúng hoạt động thực tế trên mạng lưới, dẫn đến nhận định sai lệch về sức sống của hệ sinh thái. Khối lượng giao dịch bị “thổi phồng” này đang tạo ra ảo giác về sự nhộn nhịp, trong khi thực chất mức độ sử dụng blockchain vẫn ở mức khá khiêm tốn.
Thứ tư, dòng sử dụng thực tế đã dịch chuyển sang các blockchain khác. Các nền tảng như Ethereum, Solanavà Base đang thu hút ngày càng nhiều hoạt động DeFi, staking và đầu cơ memecoin. Điều này dẫn đến một xu hướng rõ ràng: người dùng đang tìm đến những hệ sinh thái có tính năng phong phú và lưu lượng truy cập cao hơn để thực hiện các hoạt động on-chain.
Ví dụ, chain Solana đã trở nên thống trị đối với memecoin, trong khi Ethereum vẫn dẫn đầu mảng staking. Với việc sử dụng chuyển sang các chain khác, Bitcoin đang ngày càng trở nên trầm lắng.
Thứ năm, vai trò của Bitcoin như một hệ thống thanh toán thực tế đang dần lu mờ. Sự hấp dẫn ban đầu của Bitcoin như một phương tiện giao dịch ngang hàng đang dần nhường chỗ cho những nền tảng khác linh hoạt và nhanh chóng hơn. Khi việc sử dụng không bắt kịp tốc độ tăng giá, sự mất cân đối này khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tính bền vững của xu hướng tăng. Về dài hạn, nếu giá không phản ánh nhu cầu thực tế, thị trường có thể phải điều chỉnh.
Thứ sáu, sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp layer 2 (L2) như Lightning Network cũng góp phần “giảm tải” cho mainnet. Ngày càng nhiều giao dịch được chuyển sang các mạng L2 – vốn có tốc độ xử lý nhanh hơn và phí thấp hơn – khiến hoạt động trên mainnet trông có vẻ trì trệ. Dù đây là một bước tiến tích cực về mặt công nghệ, nhưng nó cũng khiến các chỉ số on-chain truyền thống không còn phản ánh đầy đủ sức sống của mạng lưới.
Tóm lại, việc giá Bitcoin liên tục tăng không đồng nghĩa với mức sử dụng blockchain cũng tăng theo. Chúng ta đang chứng kiến một sự chuyển mình rõ rệt: Bitcoin ngày càng được nhìn nhận như một tài sản tài chính mang tính dự trữ, trong khi các blockchain khác mới thực sự là nơi diễn ra các hoạt động sôi động của hệ sinh thái crypto.
Điều này có ý nghĩa gì đối với BTC?
Cuối cùng, giá cả không phản ánh toàn bộ bức tranh. Dù Bitcoin đang thể hiện sức mạnh ấn tượng trên biểu đồ giá, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hoạt động mạng lưới đang tăng trưởng tương xứng. Trên thực tế, hiệu suất vượt trội của BTC lại diễn ra trong bối cảnh các chỉ số on-chain khá trầm lắng — một nghịch lý đáng chú ý.
Điều này cho thấy một sự dịch chuyển rõ rệt trong cách thị trường nhìn nhận Bitcoin: từ một loại tiền tệ phi tập trung phục vụ giao dịch hàng ngày, sang một tài sản tài chính vĩ mô mang tính lưu trữ giá trị.
Theo truyền thống, tăng trưởng bền vững của Bitcoin thường gắn liền với sự mở rộng của mạng lưới người dùng, đặc biệt là từ khối bán lẻ. Chính hoạt động thực tế này đã từng là nền tảng cho những chu kỳ tăng giá mạnh mẽ trong quá khứ.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với dòng tiền chủ yếu đến từ các tổ chức tài chính lớn và sự vắng mặt tương đối của nhà đầu tư nhỏ lẻ, động lực tăng trưởng có thể trở nên mong manh hơn. Nếu hoạt động on-chain không phục hồi, giá BTC sẽ đối mặt với những giới hạn mang tính cấu trúc, khi giá trị thị trường không còn được nâng đỡ bởi sự sử dụng thực tế.
Disclaimer: Bài viết chỉ có mục đích thông tin, không phải lời khuyên đầu tư. Nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về các quyết định đầu tư của bạn.